Cách edit truyện từ bản convert

Thảo luận trong 'Thư Viện VOZ' bắt đầu bởi Wall-E, 5 Tháng mười một 2022.

  1. Wall-E

    Wall-E Senior Member

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    291
    Cách edit truyện từ bản convert

    Mỗi một bạn mới khi bắt đầu edit - dịch truyện đều đang phân vân và tìm cho mình tài liệu cũng như nhóm hay một người hướng dẫn chi tiết để edit- dịch truyện, nhưng bạn biết đấy dù có được hướng dẫn tận tình đến mức nào thì đầu tiên các bạn cũng phải hiểu quy trình để trở thành một editor cũng như dịch giả. Đây là bài viết tổng hợp mình thấy khá hữu ích không chỉ dành cho bạn mới mà những bạn cũ cũng hay mắc phải. Lúc đầu mình cũng hay vấp phải những lỗi cơ bản nhưng theo thời gian thì nó đã được giảm bớt rất nhiều, chủ yếu là cần lắng nghe góp ý, tìm hiểu những kinh nghiệm của những người đi trước đã đúc kết ra.

    Mỗi một chương dịch gọi là dịch tốt cho phép 20 lỗi về cả chính tả, ngắt câu và chấm phẩy.

    Sau đây là bài viết hướng dẫn cơ bản về dịch và biên tập

    I. Nguyên tắc dịch:


    Chúng ta dịch tham khảo Hán Việt. Phần Việt phrase là để nắm bắt được nội dung của câu. Trường hợp câu đã rõ nghĩa thì chưa cần tham khảo Hán Việt.

    Mỗi khi dịch, chúng ta cần gõ lại. Bạn đừng copy Viet phrase để sửa. Vì như thế chính là làm hạn chế cách sử dụng ngôn ngữ, trơ hóa về mặt cảm xúc và sự tưởng tượng.

    Dịch là cố gắng những câu đã rõ nghĩa không được sai. Những câu sai là khi đọc lên ta cảm thấy nó không giống như những gì chúng ta đọc, viết hàng ngày.

    Tham khảo thêm: Nguyên Tắc Của Edit - Dịch Truyện

    II. Các lỗi phổ biến và cách sửa


    1. Lỗi ngữ pháp:

    Đây là lỗi nặng và có thể nói là xảy ra thường xuyên trong các bản dịch của các bạn mới tham gia dịch tiếng Trung, mà có một số bạn không hiểu tại sao đó là lỗi.

    Các cấu trúc câu sau đây gặp phải khá nhiều trong văn viết tiếng Trung mà phần [danh từ/đại từ] trong đó chính là tân ngữ, bổ nghĩa cho [động từ] đứng đằng sau nó. Trong tiếng Việt, phần tân ngữ phải đứng sau động từ; nên khi gặp phải các cấu trúc câu này các bạn phải chú ý dịch theo đúng ngữ pháp tiếng Việt, hay nói cách khác là phải chuyển [động từ] lên trước [danh từ/đại từ]:

    1.1. Cấu trúc:

    [Chủ ngữ] [đem] [danh từ/đại từ] [động từ] trong câu trần thuật hoặc [đem] [danh từ/đại từ] [động từ] trong câu mệnh lệnh. Chữ đem chỉ có tác dụng chỉ ra [danh từ/đại từ] đứng sau nó là khách thể của [động từ] mà không mang ý nghĩa nào khác. Cho nên khi dịch cấu trúc này sang tiếng Việt, các bạn phải bỏ chữ đem đi và chuyển [động từ] lên trước [danh từ/đại từ]

    Ví dụ:

    [Hắn] [đem] [Tích thiên kiếm quyết] [tu luyện] đến Cửu tầng Dưỡng kiếm đỉnh phong -> [Hắn] [tu luyện] [Tích thiên kiếm quyết] đến Dưỡng kiếm Cửu tầng đỉnh phong

    [Đem] [tiện nhân kia] [bắt] lại cho ta! -> [Bắt] [tiện nhân kia] lại cho ta!

    1.2. Cấu trúc:

    [Chủ ngữ] [tại/hướng] [danh từ/đại từ] [động từ]

    Chữ [tại/hướng] chỉ ra [danh từ/đại từ] đứng đằng sau nó dùng để chỉ địa điểm, mục đích của [động từ]

    Ví dụ:

    [Hắn] [tại] [đầm lầy mê vụ] [tu luyện] -> [Hắn] [tu luyện] ở [đầm lầy mê vụ]

    [Hắn] [hướng] [tòa đại điện] [lao tới] -> [Hắn] [lao]về phía [tòa đại điện]

    1.3. Cấu trúc:

    [Chủ ngữ] [đối với] [danh từ/đại từ] [động từ]

    Chữ [đối với] chỉ ra [danh từ/đại từ] đứng đằng sau nó dùng để chỉ khách thể của [động từ]

    Ví dụ:

    [Hắn] [đối với] [nàng] [nhớ thương] khôn nguôi -> [Hắn] [nhớ thương] [nàng] khôn nguôi.

    Tóm lại, yêu cầu cơ bản nhất của văn viết là phải đúng ngữ pháp. Các bạn phải hết sức chú ý tránh phạm phải lỗi này. Tôi xin up lên phần ngữ pháp cơ bản của tiếng Trung hiện đại để các bạn tham khảo. Các bạn nên đọc kỹ để biết được cấu trúc câu cơ bản vì nó cũng không quá dài. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho các bạn trong quá trình học dịch.

    2. Lượng từ:

    Khi dịch một số bạn có thói quen để nguyên lượng từ tiếng Trung mà không tìm từ tương ứng trong tiếng Việt. Điều này khiến câu văn trở thành dịch nửa vời, làm cho độc giả khó chịu thậm chí không hiểu. Ví dụ: Một gốc thảo dược -> một cây thảo dược, một chuôi kiếm -> một thanh/cây kiếm.. Theo tôi, các bạn bắt buộc phải thay thế lượng từ tương ứng trong tiếng Việt thì bản dịch mới được gọi là hoàn chỉnh. Trừ trường hợp không có lượng từ tương ứng thì các bạn mới có thể giữ nguyên hoặc bỏ nó đi.

    3. Trật tự từ:

    Khi gặp một danh từ có nhiều định ngữ, điều đầu tiên các bạn phải xác định được trung tâm ngữ (danh từ chính) trong đó, sau đó sắp xếp các định ngữ theo đúng trật tự từ của tiếng Việt (Số từ - lượng từ - danh từ chính – danh từ phụ - đặc điểm, tính chất – thứ tự - chỉ định – sở hữu). Ví dụ: Hai gã Linh kiếm sư kiếm mạch hậu kỳ dâm dật đen đúa nhỏ thó già khú xấu ma chê quỷ hờn đầu tiên của Mạc gia – trong đó danh từ chính là Linh kiếm sư.

    4. Một số cụm từ nhất thiết phải bỏ:

    Để bản dịch trở nên đẹp như những gì mình đã nói và viết các bạn hạn chế tối đa sử dụng những từ sau; trừ trường hợp không có từ thay thế hoặc nếu diễn giải bằng tiếng Việt thì quá dài, trường hợp này các bạn phải có chú thích.

    Ví dụ:

    Phát hỏa -> bốc lửa,

    Phun lửa; đạo tàn ảnh -> ảo ảnh;

    Thân ảnh -> bóng người, bóng dáng;

    Chỉ -> ngón tay;

    Huyết nhân -> người máu;

    Quang mang -> ánh sáng; tựa hồ,

    Cơ hồ -> dường như, giống như, hình như

    Cười khổ-> gượng cười,

    Bất quá -> nhưng, nhưng lại,

    Rốt cuộc -> cuối cùng (từ này cần chú ý trong câu bởi nhiều khi nó vẫn đúng)

    5. Lặp từ:

    Trong trường hợp này các bạn phải lược bớt hoặc tìm cách thay thế. Nếu bí quá các bạn có thể tra từ điển tiếng Việt để tìm từ đồng nghĩa.

    III. Biên tập sơ


    Biên tập thường là về việc phân vai trong từng đoạn

    Vai hắn thường là vai chính. Vai ác thì cho là gã, vừa phải thì là y, già thì gọi là lão

    Thường thì từng đoạn sẽ có những phân vai thay cho tên như chàng, hắn, y, gã, lão.. nàng, nàng ta, ả, thị, bà.. Việc phân vai sẽ dựa theo chương trước nhưng nếu được thì tự cho vào cũng không sao. Đừng lúc nào cũng chỉ có một vai là "hắn"

    Từ nói có thể chia thành các trạng thái: Hét, quát, góp ý, thủ thỉ, phân bua

    Bạn có quyền thêm một số hành động để tăng tính tưởng tượng của người đọc.

    IV. Lời khuyên dành cho người mới


    Đầu tiên bạn phải kiên nhẫn và có thời gian.

    Không nên quá phụ thuộc vào bản VP, hãy coi nó chỉ là bản tham khảo.

    Tránh dịch ẩu, dịch đại khái cho xong. Việc này sẽ tạo thành một thói quen nguy hiểm rất khó sửa chữa, khiến cho trình độ dịch thuật của các bạn không thể nâng cao lên được.

    Học cách đọc. Tôi nhận thấy khi đọc báo hoặc truyện, có rất nhiều người trong chúng ta có một thói quen xấu là chỉ đọc lướt qua để nắm được nội dung, mà hiếm khi để ý tới cách hành văn và dùng từ trong đó. Muốn dịch tốt, theo tôi các bạn hãy xem lại cách đọc của mình. Hãy đọc chậm và không bỏ sót từ. Các bạn có thể dùng báo mạng để kết hợp vừa giải trí vừa học lại cách đọc, nhằm nâng cao cách hành văn và sử dụng từ của bản thân. Theo tôi thấy, trang dantri.com.vn rất chú trọng đến vấn đề này.

    Trên đây chỉ là một vài điều suy ngẫm của cá nhân tôi. Hy vọng những điều này sẽ giúp ích cho các bạn mới bắt đầu học dịch tiếng Trung.

    Mong các vị đạo hữu của diến đàn đóng góp thêm ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với mọi người.

    V. Tổng kết:


    Hướng dẫn chủ yếu về việc xử lý những câu đã rõ nghĩa nhưng dịch chưa chuẩn. Mọi người cần để ý 5 từ cơ bản là "đối" "tại" "vì" "đem" "hướng"

    Người ơi "đối" "tại" làm chi

    "Vì" "đem" "hướng" "bất" bỏ ngay tôi nhờ.

    5 lỗi VP cơ bản và là lỗi nặng:

    1. Hắn đối với nàng yêu thích từ lâu.

    2. Hắn tại trường học gặp nàng.

    3. Hắn vì yêu được nàng đã cố gắng rất nhiều.

    4. Hắn đem nàng coi như viên ngọc trên tay.

    5. ABCD hướng XYZ + động từ (Mạc Vấn hướng Vân Mạc chìa tay ra; Tô Thanh hướng Thanh Tô nhìn đến)

    Sửa lại:

    1. Hắn đã yêu thích nàng từ lâu.

    2. Hắn gặp nàng tại trường học.

    3. Hắn đã cố gắng rất nhiều để yêu được nàng. / Để yêu được nàng hắn đã cố gắng rất nhiều.

    4. Hắn coi nàng như viên ngọc trên tay.

    5. Mạc Vấn chìa tay về phía Vân Mạc; Tô Thanh nhìn về phía Thanh Tô.

    Bổ sung một số từ cần sửa để bản dịch được mượt hơn:

    1. "Liền" chỉ một hành động ngay và luôn. Chúng ta có thể dịch theo hướng này.

    2. "Trực tiếp" đánh thẳng vào

    3. "Sớm" chỉ sự việc đã được tiên liệu trước.

    4. "Có chút" -> hơi, hơi hơi

    - Đến tột cùng -> rốt cuộc, tóm lại, cuối cùng..

    - Hạn chế dùng chữ "Đối với".

    Ví dụ:

    Đối với chuyện này, Hàn Lập rất không thích --> Hàn Lập rất không thích chuyện này.

    Hướng ---> Nhìn

    Ví dụ:

    Hàn Lập hướng Thạch Xuyên Không nói ---> Hàn Lập nhìn Thạch Xuyên Không nói.

    Với đa số các trường hợp trong câu vp: Từ "hướng" này mang tính định hướng mục tiêu, tức là "hướng về", "hướng tới", cụ thể những câu vp thường gặp:

    "A + hướng + B + Động từ chính +.." => trường hợp này sẽ Dịch ra sao cho hợp lý?

    +Đối tượng A tương tác với đối tượng B bằng từ "hướng" theo nghĩa là "A hướng về B" hay "A hướng tới B" - mục tiêu nhắm đến trong hành động của A là B - động từ chính trong câu là hành động của chủ thể A nhằm tới chủ thể B - nói nôm na là chủ thể A hành động gì đó nhắm tới mục tiêu là chủ thể B. Trong câu dịch ta phải bỏ từ "hướng", ngoài việc đảo cụm từ thì hoặc không cần thêm từ hoặc có thể thêm những từ như "tới", "với", "về phía".. để làm rõ nghĩa hành động của chủ thể A đang nhắm tới chủ thể B!

    + Tuyệt đối không được tự sáng tạo động từ mới là "nhìn" hay bất kỳ động từ khác thay cho "hướng" bởi vì "hướng" ở đây là hướng tới, hướng về chứ chưa hẳn là nhìn. Chủ thể A chưa chắc đã là người hay con gì đó có thể nhìn được, chủ thể A cũng có thể bị mù không thể nhìn được hoặc 2 chủ thể đang ở trong 1 không gian tối tuyệt đối không thể nhìn được => từ "hướng" trong trường hợp này đơn giản chỉ là định hướng mục tiêu cho động từ chính!

    Ví dụ 1:

    "Hàn Lập hướng Ma Chủ cầu xin"

    Ở đây bỏ từ "hướng" vẫn thể hiện rõ tương tác giữa chủ thể A là Hàn Lập với chủ thể B là Ma Chủ, động từ chính là cầu xin, lúc này "hướng" dư thừa nên loại bỏ trong câu Dịch => "Hàn Lập cầu xin Ma Chủ"

    Ví dụ 2:

    "Hàn Lập hướng thạch trụ đánh ra một quyền"

    Chủ thể A là Hàn Lập, chủ thể B là thạch trụ, động từ chính là "đánh", để làm rõ nghĩa câu văn hành động đánh của Hàn Lập nhắm tới mục tiêu là thạch trụ -ta thêm từ "về phía" để làm rõ nghĩa => Dịch: "Hàn Lập đánh ra một quyền về phía thạch trụ"

    Ví dụ 3:

    "Phi kiếm hướng Hàn Lập đâm mạnh"

    Ở đây chủ thể A là Phi kiếm thì đương nhiên chẳng thể nào "nhìn" được :D => Dịch: "Phi Kiếm đâm mạnh tới Hàn Lập" hoặc "Phi kiếm đâm mạnh về phía Hàn Lập"

    Ví dụ 4 của lão Độc:

    "Hàn Lập hướng Thạch Xuyên Không nói"

    Chủ thể A là Hàn Lập, B là Thạch Xuyên Không: Hàn Lập không cần nhìn Thạch Xuyên Không thì vẫn nói với gã được như thường, hoặc giả thiết nếu Hàn Lập đang bị mù không thể nhìn hoặc 2 thằng đang đứng trong không gian tối tuyệt đối không thể nhìn thì Hàn Lập vẫn cứ tương tác với Thạch Xuyên Không qua động từ chính "nói", ta muốn làm rõ là từ "hướng" ở đây đơn giản là định hướng mục tiêu, tuyệt đối không được tự sáng tạo thành "nhìn"! => Dịch: "Hàn Lập nói với Thạch Xuyên Không"

    Ví dụ 5 làm rõ hơn cho lão Độc:

    "Hàn Lập hướng Thạch Xuyên Không truyền âm"

    Vẫn như trên đã nói, từ "hướng" này chỉ đơn giản là mang tính định hướng mục tiêu, tuyệt đối không thể tự ý thêm động từ "nhìn" => Dịch: "Hàn Lập truyền âm tới Thạch Xuyên Không" hoặc "Hàn Lập truyền âm về phía Thạch Xuyên Không"

    Bỏ chữ "Đem" : Chữ "Đem" này chỉ sử dụng khi nó mang nghĩa là "Mang"

    Ngoài ý muốn --> Ngạc nhiên.

    Hô ứng --> Cộng hưởng

    Ví dụ:

    Hai thứ hô ứng với nhau--> Hai thứ cộng hưởng với nhau.

    Chữ "cùng" nên sửa thành "và" cho hay.

    Cảm thấy ngoài ý muốn ---> cảm thấy ngạc nhiên

    Mười phần chắc chắn---> thập phần chắc chắn

    Mặt không biểu tình ---> mặt không cảm xúc

    Đại bộ phận --> đa phần

    Trực tiếp đi tới/ trực tiếp xuyên qua ---> đi thẳng tới/ xuyên thẳng qua

    Từ "Hắn" nên chỉ dùng cho Main, các nhân vật khác thì dùng: Gã, y, lão, lão già, lão giả.. (cho nam), và nàng, thị, lão bà, lão ẩu.. (cho nữ)

    Một số cụm từ khi dịch truyện hiện đại và cận đại:

    Tựa tiếu phi tiếu: Cười ruồi, cười nhạt.

    Vô thanh vô tức: Im hơi lặng tiếng

    Ngốc có ngốc phúc: Thánh nhân đãi kẻ khù khờ

    Kinh hỉ: Vui mừng kinh ngạc.

    Thụ sủng nhược kinh: Nghĩa là được yêu thương mà sinh ra lo sợ. Có thể dịch thoát là: Vừa mừng vừa sợ; nửa mừng nửa lo; của biếu là của lo, của cho là của nợ.

    Thân sĩ: Quý ông.

    Nữ sĩ: Quý cô, quý bà.

    Trực tiếp làm gì đó, từ trực tiếp có nghĩa là làm ngay, dứt khoát, không chần chờ. Có thể bỏ từ này hoặc thay bằng một số từ khác tùy ngữ cảnh.

    Ví dụ:

    Trực tiếp đi tới: Đi thẳng tới

    Trực tiếp lấy cái abc: Lấy ngay cái abc, vớ lấy/chộp lấy cái abc..

    Không có + động từ/tính từ -> không + động từ/tính từ. Từ này rất thường gặp, không hẳn là lỗi sai nhưng dễ khiến câu văn rườm rà, không hay.

    Ví dụ:

    Tôi không có làm -> Tôi không làm.

    Cái này không có hay chút nào -> Cái này không hay chút nào.

    VI. Các mẫu câu đơn giản


    Những phần được thêm vào mình sẽ đánh dấu để bạn theo dõi được rõ hơn. Những chỗ ngắt câu cũng được ghi chú. Việc ngắt câu sẽ buộc phải thêm chủ ngữ vào vì thế cũng sẽ được đánh dấu luôn.

    Câu 1:

    Khán trứ tòng dung trấn định đích thân ảnh, đại điện chi trung, hứa đa sư huynh sư tả vô bất tâm sinh cảm khái. [Khán trứ] [tòng dung trấn định] [đích] [thân ảnh], [đại điện] [chi][trung], [hứa đa] [sư huynh sư tỷ] [vô bất] [tâm sinh cảm khái] .

    Bạn để ý việc chuyển từ phía sau "đích" lên phía trước.

    Thêm một vấn đề nữa, đó là [trong đại điện] . Ai ở trong đại điện? Ở đây là các [sư huynh sư tỷ] . Vì vậy khi sắp xếp lại trật tự, phải là thế này:

    Nhìn thân ảnh thong dong trấn định, rất nhiều sư huynh sư tỷ trong đại điện không thể không sinh lòng cảm khái.

    Và đây là bản dịch đề nghị của mình:

    Nhìn dáng người thong dong trấn định ấy, rất nhiều sư huynh sư tỷ trong đại điện không thể không sinh lòng cảm khái.

    Câu 2:

    [Đương niên] [bị thụ đông ái] [đích] [tiểu sư muội], [như kim] [dĩ kinh] [trường đại], [năng cú] [độc đáng] [nhất diện] !

    VP: Năm đó nhận được thương yêu tiểu sư muội, hiện giờ đã lớn lớn khôn, có thể tự mình chống đỡ một mặt!

    Dịch: Tiểu sư muội khi xưa từng được yêu thương hết mực, giờ đây đã lớn khôn, đủ sức tự mình chèo chống một phương!

    Câu 3:

    [Tha kiểm thượng] [quải trứ] [thiển thiển] [đích] [vi tiếu], [sung mãn] [thân hòa], [lệnh nhân] [như] [mộc xuân phong] . [Đương] [chúng nhân bất chú ý] [đích] [thì hậu], [tha][triêu] [chưởng môn] [ngoan bì] [địa] [trát liễu trát] [nhãn tình], [chưởng môn chủy giác] [lưu lộ xuất] [nhất ti] [sủng nịch] [đích] [tiếu ý] .

    VP: Trên mặt nàng treo nhợt nhạt mỉm cười, tràn đầy thân hòa, làm người ta như tắm gió xuân. Khi mọi người không chú ý, nàng hướng chưởng môn bướng bỉnh địa mở trừng hai mắt, chưởng môn khóe miệng toát ra vẻ cưng chìu nụ cười.

    Dịch: Khuôn mặt nàng mang theo một nụ cười khe khẽ, vô cùng thân thiện, khiến người ta như được tắm gió xuân. Khi mọi người không chú ý, nàng trừng mắt với chưởng môn một cái, khóe miệng chưởng môn khẽ nở nụ cười hết sức cưng chiều.

    Câu 6: Dịch với hai từ đích trong câu.

    [giá] [cá] [đối linh kiếm sư giới] [đích] [kinh nghiệm tương đương trĩ nộn] [đích] [niên khinh] [linh kiếm sư] /[như kim] [khai thủy biến đắc thần bí mạc trắc khởi lai]

    Hướng dẫn cách dịch khi có hai chữ "đích" trong câu.

    Có bạn dịch là: Đối với những Linh Kiếm sư trẻ tuổi này, thế giới Linh Kiếm mà họ biết càng ngày càng trở nên thần bí.

    Ở phần đầu câu [giá] là mạo từ xác định; [cá] là lượng từ của [linh kiếm sư] . Vì vậy cả đoạn [đối linh kiếm sư giới] [đích] [kinh nghiệm tương đương trĩ nộn] [đích] [niên khinh] [linh kiếm sư] là một danh từ có nhiều định ngữ mà danh từ chính là [linh kiếm sư] . Trong danh từ này có hai từ [đích] nên trật tự từ trong tiếng Việt sẽ phải đảo lại [linh kiếm sư] [niên khinh] [kinh nghiệm tương đương trĩ nộn] [đối linh kiếm sư giới], dịch sang tiếng Việt sẽ thành [linh kiếm sư] [trẻ tuổi] [kinh nghiệm tương đối non nớt] [so với giới linh kiếm sư] . Phần sau của câu thì không có gì khúc mắc.

    Như vậy, cả câu này sẽ có thể dịch như sau:

    Anh bạn Linh kiếm sư trẻ tuổi kinh nghiệm khá non nớt so với những người khác này, đã bắt đầu trở nên thần bí khó lường.

    Câu 7:

    HV: Giá thị nhất tọa tam thập trượng phương viên đích cự đại điện các, khung đính túc hữu thập trượng chi cao, nghiễm khoát đích không gian trung một hữu thái đa vật phẩm, hiển đắc hữu ta không đãng. Tối hấp dẫn nhân đích thị đại điện chính trung tâm nhất tọa nhất trượng cao đích tứ phương cổ đỉnh, đỉnh thân điêu khắc trứ chúng đa yêu thú đồ văn, thông thể trình xích hồng sắc, hoàn vị kháo cận tiện cảm giác nhất cổ cực vi cường liệt đích chước nhiệt chi ý.

    Hướng dẫn cách dịch khi có hai chữ "đích" trong câu.

    Có bạn dịch: Đây là một tòa 30 trượng phương viên cực lớn điện các, mái vòm chừng mười trượng độ cao, rộng lớn trong không gian không có quá nhiều vật phẩm, lộ ra có chút vắng vẻ. Hấp dẫn người ta nhất chính là đại điện ở giữa tâm một tòa một trượng cao tứ phương cổ đỉnh, đỉnh thân điêu khắc lấy phần đông yêu thú đồ văn, toàn thân hiện lên màu hồng đỏ thẫm, còn chưa tới gần liền cảm giác một cổ cực kỳ mãnh liệt nóng rực chi ý.

    Phải đảo câu này như sau

    [một tòa tứ phương cổ đỉnh] [cao một trượng] [trung tâm đại điện chính] [hấp dẫn người nhất] .

    Chuyển thành câu dịch: Đáng chú ý nhất là một tứ phương cổ đỉnh cao một trượng ở trung tâm đại điện chính.

    VII. Các trang web hỗ trợ dịch từ tiếng Trung


    Hanviet.org

    Trang tra nghĩa trung

    百度百科_全球领先的中文百科全书

    维基百科, 自由的百科全书


    Một trang có thể so sánh Hán việt và dịch:

    Tuvien.com

    Một số cụm từ bạn chưa hiểu thì có thể search Google. Bạn sẽ thấy nhiều cái hay lắm. Đây chính là hữu duyên và tận dụng những gì người đi trước đã để lại cho mình.

    "Nhớ rõ, trong văn học Trung Hoa cụm từ 4 chữ được sử dụng thiệt nhiều, nhất là khi miêu tả dung mạo khí chất tính tình, cũng có lúc được vận dụng vào mắng người.

    Các bạn tham khảo thêm phần này trong bài viết sau đây:

    Các Thuật Ngữ Trong Truyện Dành Cho Editor

    Những newbie chú ý vì điều này rất nhiều bạn mắc phải: Đó là khi dịch, ta phải dịch từng CÂU 1 chứ không phải dịch từng CHỮ 1. Nghĩa là khi dịch, bạn đọc cả một câu, tìm ý nghĩa của cả câu, khó thì gg, vp.. sau khi hiểu các bạn mới dựa vào ý nghĩa, câu chữ của bản vp mà dịch thành một câu hoàn chỉnh.

    Bài viết được tổng hợp từ rất nhiều ý kiến, chủ yếu của tác giả: Gaygioxuong, biên tập: Nhatchimai0000, mình share về đây cho mọi người tham khảo.

    Cảm ơn vì mọi người đã đọc.
     
    Trùm thích bài này.