Cách viết truyện ngắn giả tưởng: Từ căn bản đến chuyên sâu Viết truyện ngắn thường dễ hơn ngay lập tức nhảy bổ vào làm tiểu thuyết. Truyện ngắn có số lượng chữ ít hơn, viết nhẹ hơn, và chưa kể còn dễ tìm nơi đăng/bán bản thảo hơn là tiểu thuyết nữa. Nhưng mặc dù viết truyện ngắn có thể sẽ nhẹ nhàng, điều đó không có nghĩa là viết truyện ngắn HAY là chuyện dễ làm. Điều này đặc biệt đúng với dòng văn viễn tưởng, một dòng nổi tiếng là "khó nhằn." Nhưng đừng lo! Bookism bọn mình đã tổng hợp sẵn một bài hướng dẫn cách viết truyện ngắn viễn tưởng dành riêng cho bạn. Để đảm bảo bài hướng dẫn này phù hợp với trình độ của tất cả mọi người, đầu tiên bọn mình sẽ hướng dẫn cách viết truyện ngắn căn bản nói chung để tất cả mọi người đều có nền tảng. Sau đó, bọn mình sẽ hướng dẫn bạn cách tích hợp các yếu tố khoa học viễn tưởng vào trong câu chuyện. Đăng ký: Viết truyện kiếm tiền Cách viết truyện ngắn: Những điều căn bản cần biết Truyện ngắn về cơ bản có cách viết khác hẳn so với tiểu thuyết. Sự khác biệt chính giữa hai thể loại này nằm ở hai chữ duy nhất: Độ dài. Truyện ngắn có số lượng từ rất giới hạn, và bởi thế khi viết truyện thể loại này ta sẽ cần cách tiếp cận riêng. Trong một cuốn tiểu thuyết, tác giả có thể thư thả dành thời gian phát triển cốt truyện, nhân vật, bối cảnh.. Trong truyện ngắn thì lượng đất chỉ có hạn. Tác giả sẽ phải lập tức cho câu chuyện vào guồng chứ không thể đủng đỉnh con cà con kê. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT TRUYỆN NGẮN HAY + Số lượng nhân vật giới hạn + Bối cảnh được tả gọn ghẽ + Cốt chỉ có một hoặc hai xung đột + Chỉ có một góc nhìn + Mở và kết phải gây ấn tượng + Có chủ đề hoặc đề tài rõ ràng. Hãy tưởng tượng truyện ngắn phải chóng vánh như bạn ra đầu ngõ mua bánh mỳ ăn sáng, còn tiểu thuyết thì như bắt tàu về quê ăn tết. Trong tiểu thuyết, người đọc có thời gian để quan tâm đến nhân vật và những chuyện xảy ra với họ. Trong truyện ngắn, người đọc chỉ quan tâm đến xung đột và đề tài mà câu chuyện muốn động chạm đến. Nó là thể loại văn phải đọc ào một cái là xong. Vậy nên hãy tin tưởng vào độc giả của mình, tin rằng họ sẽ hiểu được câu chuyện mà không cần tô vẽ gì nhiều. Hãy lập tức thu hút sự chú ý của họ, đưa ra đề tài cần bàn, và sau đó chốt lại câu chuyện. CÁC NGUYÊN TẮC VIẾT MỘT TRUYỆN NGẮN Dưới đây là những điều bạn cần nhớ khi tiến hành viết truyện: * Chỉ sử dụng đúng một ngôi nhân xưng trong truyện. Nếu mở đầu truyện bạn kể chuyện bằng ngôi thứ nhất, hãy giữ nguyên như thế. Tương tự nếu kể bằng ngôi thứ ba. * Hãy lập sẵn dàn ý để xác định các chi tiết trong cốt truyện và giúp tạo bố cục tốt hơn. Dàn ý sẽ trở thành đồng minh cực kỳ hữu ích nếu bạn tự nhiên gặp đoạn bí. * Thu hút người đọc ngay từ những câu đầu. Nếu đọc xong một đoạn mà thấy chán, người đọc sẽ bỏ đi ngay. Hãy tạo ra một mở truyện thật sự lôi cuốn, khiến người ta muốn tìm hiểu thêm. * Đừng mào đầu dông dài. Vào thẳng xung đột luôn. *Xây dựng bối cảnh có thể được thực hiện song song với xung đột. * Hạn chế mô tả quá nhiều. Nên nhớ, chúng ta không có nhiều đất. Nếu có cảnh tượng hay nhân vật nào cần mô tả, hãy làm thật ngắn gọn (miễn là đừng quá cụt ngủn). * Hạn chế số lượng nhân vật. Quá nhiều nhân vật mà không đủ chữ để phát triển tất cả thì sẽ khiến người đọc bị loạn. * Tương tự, chỉ dùng tối đa là hai mạch cốt trong một truyện ngắn. Quá nhiều mạch cốt sẽ khiến câu chuyện trở nên rối. * Xác định rõ trong đầu (và trên dàn ý) hướng phát triển của truyện, và cả kết thúc của nó. Nếu có điểm bắt đầu, điểm kết thúc, và hướng đi, bạn sẽ không bao giờ bị lan man. * Hãy chốt lại truyện sao cho thật đáng nhớ. Không cần phải là một cái kết đẹp mỹ mãn như cổ tích, nhưng nó cần thể hiện điều câu chuyện muốn truyền tải, và phải giải quyết hết mọi xung đột trong truyện. * Sau khi viết xong nhớ đọc lại mấy lượt. Lỗi chính tả và chấm câu là những cái lỗi khó chịu nhất trên đời, và cũng dễ sửa nhất. * Hãy cho người khác đọc và chỉ trích tác phẩm của bạn. Đặc biệt nếu là một người có kinh nghiệm biên tập và viết văn thì càng tốt. Có thể chọn một cộng đồng online nào đó nếu bạn không quen ai như vậy. Cách viết truyện khoa học giả tưởng science fiction Sau khi đã nắm được cơ bản về các nguyên tắc xây dựng một câu chuyện ngắn lôi cuốn, giờ đến lúc phải thêm yếu tố giả tưởng vào nó. Đầu tiên, bạn cần phân biệt rõ khoa học viễn tưởng (Sci Fi) và kỳ ảo (Fantasy). Bọn mình đã từng có một bài viết về đề tài này, có tên là Phân Biệt Khoa Học Kỳ Tưởng và Kỳ Ảo (Fantasy). Bạn có thể tham khảo tại đó để biết sâu hơn, nhưng nói gọn lại sự khác biệt giữa chúng là như sau: Trong khoa học giả tưởng, các yếu tố tưởng tượng thường sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học công nghệ hoặc được giải thích bằng khoa học công nghệ. Trong kỳ ảo, các yếu tố tưởng tượng sẽ xuất phát từ phép thuật hay các hiện tượng siêu nhiên không có lời giải thích hoặc cơ sở khoa học nào. Để viết được một câu chuyện khoa học giả tưởng hay, bạn cần tìm được cái "chất giọng" riêng biệt của mình. Giới văn sĩ hay nói với nhau là trên đời chẳng còn câu chuyện nào mới cả, chỉ toàn chuyện cũ kể theo cách mới. Vậy nên một tác phẩm khoa học giả tưởng sáng tạo chủ yếu sẽ hay do cách bạn trình bày ý tưởng, chứ không phải là tìm cách chế ra một thế giới kỳ dị hết mức có thể. Hãy thử nhớ lại những câu chuyện khoa học giả tưởng nổi tiếng xem. Chúng có phải là những truyện về những thế giới quái đản và khó hiểu gì không? Hầu như không. Chúng đều tái chế các ý tưởng cũ cả. Ví dụ như các câu chuyện Dystopia, hậu tận thế chẳng hạn. Chúng tồn tại từ rất lâu rồi. Nhìn vào series The Hunger Games của Suzanne Collins mà xem. Tác giả lấy ý tưởng chính quyền toàn trị (như trong tác phẩm 1984) và pha trộn nó với thần thoại Hy Lạp cũng như mô típ đấu trường La Mã (trong tác phẩm Battle Royale). Bà chỉ cho bối cảnh trở nên tương lai hơn một chút thôi. Vậy tức là quyển truyện không có ý tưởng nào mới cả. Cái hay của nó nằm ở cách Collins pha trộn mọi thứ. Để viết được một tác phẩm truyện ngắn giả tưởng sống động và hấp dẫn, hãy bám theo những nguyên tắc này: Cố gắng đừng dùng quá nhiều chi tiết kỹ thuật khi mô tả các yếu tố Sci Fi. Hard Sci Fi (Sci Fi nặng về kỹ thuật) rất khó viết, và người đọc thể loại ấy thì lại rất kỹ tính. Bạn sẽ vừa tự làm khổ mình, vừa dễ bị người khác chỉ trích. Kể cả nếu ý tưởng bạn có phức tạp, hãy viết câu cú và dùng từ ngữ sao cho gãy gọn, đơn giản. Hãy làm như tác giả giả tưởng Terry Bison vẫn hay nói: "Ý tưởng càng phi thường thì câu chữ phải càng bình thường." Chẳng mấy ai có thời gian ngồi "dịch" truyện của bạn đâu. Đừng ôm đồm tích hợp quá nhiều yếu tố giả tưởng vào truyện. Một hoặc hai thứ công nghệ khoa học giả tưởng chính là đủ rồi. Truyện ngắn rất ít chữ, thế nên không có thời gian phát triển hết tất cả chúng đâu. Hãy cho nhân vật chính là người mà độc giả có thể đồng cảm được. Đó không nhất thiết phải là con người, mà là người ngoài hành tinh hay rôbốt cũng được, nhưng cần có thế giới quan và/hoặc tính cách dễ khiến người ta thông cảm. Nếu cần hãy xây dựng nhân vật dựa trên một ai đó bạn quen ngoài đời. Cách để rèn luyện bản thân trở thành nhà văn giỏi viết Không phải ngẫu nhiên những nhà văn giỏi luôn là những người đọc nhiều. Đọc các tác phẩm người khác sẽ luôn giúp bạn cải thiện kỹ năng viết của chính bản thân mình. Bạn sẽ có thể nảy ra ý tưởng mới, nhìn thấy được những mô típ thường dùng, đồng thời phát hiện ra những sai lầm mình có thể tránh. Điều này đặc biệt đúng với dòng văn giả tưởng, một dòng hãy còn xa lạ và chưa mấy thịnh hành ở Việt Nam. Bên cạnh việc đọc, bạn sẽ cần phải tập luyện nữa. Đừng nản lòng nếu ban đầu bạn nhận nhiều lời chỉ trích. Không phải ai cũng thích được văn phong của bạn, đó là thực tế cuộc sống rồi. Nhưng hãy cứ tập và tập và tập và tập. Bạn càng viết nhiều thì sẽ càng có kinh nghiệm, và càng nghe nhiều lời chỉ trích thì bạn sẽ càng biết mình cần điều chỉnh ra sao. Và một ngày nào đó, những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Đăng ký: Viết truyện kiếm tiền Chúc bạn thành công!